nam-2016-canh-tranh-trong-nganh-xi-mang-se-khoc-liet

Năm 2016: cạnh tranh trong ngành xi măng sẽ khốc liệt

Admin 19/09/2019

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ xi măng năm 2016 sẽ rất khó khăn, nhất là công tác xuất khẩu, xi măng sẽ tiếp tục dư thừa lớn, cộng thêm sức ép từ bên ngoài, dự báo một năm cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp (DN) trong ngành.

 

Sức ép lớn

Trước hết, đó là sức ép từ các DN xi măng nước ngoài, nhất là xi măng Trung Quốc. Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho biết, tổng công suất các nhà máy xi măng của nước ta đạt khoảng 81,5 triệu tấn, trong khi năm 2016 dự kiến tiêu thụ tăng 5 - 7% so với năm 2015 đạt khoảng 75 - 76 triệu tấn, đồng nghĩa với việc cung vẫn vượt cầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là khả năng xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. So với năm 2014 là năm “đỉnh cao” về xuất khẩu, đạt hơn 21 triệu tấn, thu gần 900 triệu USD, năm 2015, xuất khẩu đã giảm gần 20%, đạt 16,25 triệu tấn và năm nay dự kiến sẽ tiếp tục giảm. Thị trường Trung Quốc sau thời gian phát triển nóng đã dư thừa công suất khoảng 670 triệu tấn xi măng, do vậy sức ép cạnh tranh, nhất là về giá thành xuất khẩu của các DN xi măng trong nước, hiện cao hơn vài USD/tấn, sẽ khó “có cửa” so với xi măng Trung Quốc. Đồng thời, các DN trong nước chưa có nhiều hợp đồng xuất khẩu dài hạn, dự đoán biến động còn yếu nên cũng gây khó khăn cho công tác định hướng xuất khẩu sản phẩm xi măng. Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Trần Việt Thắng thẳng thắn chia sẻ, có những thời điểm giá xuất khẩu của xi măng Trung Quốc thấp hơn của nước ta khoảng 10 USD/tấn clinker, cho nên xuất khẩu gặp khó khăn là điều đương nhiên. Với mức tiêu thụ trong nước năm 2015 tăng 7 - 9%, đạt 56,46 triệu tấn và năm 2016 dự kiến tăng 4%, mức dư cung khoảng 25 triệu tấn sẽ không dễ tiêu thụ thông qua con đường xuất khẩu và chắc chắn nếu không xuất khẩu được, nhiều DN sẽ phải giãn, hoãn, thậm chí dừng sản xuất.

Chính những khó khăn từ xuất khẩu đã gia tăng áp lực cạnh tranh trong nước. Các DN xi măng đều tập trung công tác tiêu thụ trong nước, nhất là các thị trường “chật chội” tại các tỉnh phía bắc. Ngay cả đơn vị lớn như Vicem Hoàng Thạch cũng có những thời điểm rất căng thẳng. Trong những dịp Tết, sản phẩm của Vicem Hoàng Thạch mức tiêu thụ sụt giảm đáng kể, chỉ khoảng 6.000 tấn/ngày, trong khi đó các đơn vị khác trong Vicem tiêu thụ 10 nghìn tấn/ngày. Thế mạnh của Vicem Hoàng Thạch là khối dân sinh. Điều này có tính hai mặt, lợi nhuận tốt, nhưng phụ thuộc thời vụ. Trong khi đó, các DN xi măng chung quanh đều chờ đợi động thái của Hoàng Thạch để có những phương án điều chỉnh phù hợp và thường có giá thấp hơn. Hiện nay, Vicem Hoàng Thạch đang xúc tiến đầu tư thêm một trạm nghiền để tối đa hóa nguồn nguyên liệu. Do vậy, một mặt cần mở rộng thị trường, mặt khác Hoàng Thạch cũng cần quan tâm phát triển các sản phẩm xi măng công nghiệp nhằm cân bằng trong tiêu thụ và sản xuất.


Dây chuyền sản xuất xi măng Thăng Long công suất 6.000 tấn clinker/ngày, tương đương với 2,3 triệu tấn xi măng PCB40/năm.

Tập trung quản trị DN, thiết bị

Đây là công tác sống còn đối với các DN xi măng nhiều năm nay. Trước đây, sản xuất tiêu thụ xi măng phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào,… nhưng những năm gần đây, một số yếu tố trên đã từng bước ổn định, các DN đã có dự báo tốt hơn. Do vậy, việc cần thiết nhất vẫn là căn chỉnh từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

Lãnh đạo Vicem khẳng định, năm 2016 sẽ là năm kỷ luật công nghệ của Tổng công ty. Năm 2015, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Vicem khá tốt, cao hơn mức trung bình của toàn ngành xi măng, trong đó mức lợi nhuận trước thuế đạt 2.381 tỷ đồng. Điều này có được là do nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là kết quả sản xuất, kinh doanh từ năm trước và các tháng đầu năm, sử dụng định mức đầu tư, khai thác thiết bị tốt hơn,… tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu. Một số dây chuyền phải dừng sửa chữa dài ngày và đột xuất, lớn hơn so kế hoạch, do vậy ảnh hưởng đến thời gian chạy lò, kế hoạch vận hành, tiêu hao nguyên, nhiên liệu. Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra từ đầu năm, trước hết cần tập trung năng lượng cho than vì chiếm đến 60 - 70% giá thành và lại là khu vực nhạy cảm. Đồng thời, tìm giải pháp giảm giá thành nhập than đến chân công trình khoảng 40 đến 50 nghìn đồng/tấn, phấn đấu đến năm 2020 giảm 100 nghìn đồng/tấn. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các chỉ tiêu, định mức tiêu hao năng lượng, xây dựng định mức mới phù hợp nhằm bảo đảm duy trì ổn định chất lượng sản phẩm với mục tiêu trọng tâm là tối ưu hóa hoạt động của các thiết bị… Hiện nay, độ sẵn sàng của các thiết bị lò nung còn chưa cao, các đơn vị cần tách bạch rõ nguyên nhân sự cố xuất phát từ khâu nào để có giải pháp khắc phục phù hợp. Tổng công ty sẽ phối hợp, đàm phán với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) xây dựng kế hoạch tổng thể bố trí lịch sửa chữa các lò nhằm nâng cao công suất chạy lò, giảm chi phí sửa chữa thuê ngoài…

Song song với các giải pháp về công nghệ, các giải pháp bán hàng cũng quan trọng không kém. Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Rà soát các chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và các thời điểm bán hàng. Đồng thời phối hợp hoàn thiện hệ thống nhà phân phối và mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn cho thị trường xuất khẩu. Tổng Giám đốc Vicem Hoàng Thạch Lê Thành Long cho biết, bên cạnh việc tiết kiệm chi phí (đạt gần 93 tỷ đồng trong năm 2015), Công ty đã và đang tập trung chuẩn hóa cấu trúc thương hiệu, xây dựng chiến lược định vị thương hiệu phù hợp định hướng của Tổng công ty. Đồng thời, hoàn thiện tổ chức hệ thống nhà phân phối chính, phát triển hệ thống cửa hàng đạt chuẩn, tổ chức lực lượng bán hàng chuyên nghiệp hơn… Giữ vững thị phần tại các địa bàn cốt lõi, tiếp cận và mở rộng sang các địa bàn mới, phối hợp thị trường với các đơn vị thành viên trong Vicem để nâng cao thị phần, tránh chồng lấn, đáp ứng đủ, kịp thời xi măng cho khách hàng.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, tình hình tiêu thụ xi măng năm 2016 sẽ rất khó khăn, nhất là công tác xuất khẩu. Nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, nhiều dự án xi măng đã được giãn hoãn, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch và dự kiến năm nay không có thêm dây chuyền xi măng nào đưa vào hoạt động. Hiện nay, lượng tồn kho trên cả nước khoảng 2,95 triệu tấn, tương đương khoảng 15 đến 16 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker, trong đó Vicem tồn kho 1,73 triệu tấn là hợp lý. Tuy nhiên, dưới áp lực của xuất khẩu, tiêu thụ trong nước chắc chắn bị ảnh hưởng. Các DN xi măng cần có những giải pháp sản xuất và tiêu thụ hợp lý, tránh gây thêm áp lực cho tiêu thụ trong nước. Bộ sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy các chương trình sử dụng các sản phẩm xi măng như làm đường bê tông xi măng, vật liệu xây không nung,… nhằm gia tăng sức tiêu thụ trong nước, bảo đảm sự phát triển ổn định của ngành xi măng.

Theo Nhân dân